Phòng gym đang là một mô hình kinh doanh “béo bở” bởi nhu cầu lớn, nhất là với dân văn phòng bận rộn, 30 phút mỗi ngày để duy trì vóc dáng là quá lý tưởng. Hãy cùng Impulse Fitness tìm hiểu mở phòng gym cần những gì? Thủ tục có khó không? nhé!
MỤC LỤC
1/ Có chứng chỉ HLV thể hình
Đây là câu trả lời trước nhất cho câu hỏi Mở phòng gym cần giấy tờ gì.
Để được cấp giấy phép kinh doanh phòng gym, người đại diện pháp lý (hay có thể hiểu là người đứng tên trên giấy tờ) phải có chứng chỉ huấn luyện viên thể hình do Liên đoàn thể dục thể thao hoặc Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cấp. Người đại diện pháp lý có thể là chính bạn hoặc HLV thể hình có chuyên môn hợp tác với bạn.
Tuy vậy, Impulse Fitness khuyên bạn nên có chứng chỉ của riêng mình. Bởi lẽ, muốn kinh doanh phòng gym thành công, bạn phải có hiểu biết và tình yêu về gym thì mới có thể có định hướng và có được chiến lược kinh doanh tốt nhất cho phòng gym của mình. Ngược lại, kinh doanh phòng gym mà không nắm rõ về nó, rất khó để bạn có thể kinh doanh hiệu quả – có doanh thu cao.
Bạn nên theo học khóa học của Liên đoàn Thể dục Thể thao tổ chức, tuy nhiên, khóa học không được tổ chức nhiều, có thể vài năm mới có một lần.
2/ Giấy phép kinh doanh
Đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có nghĩa là bạn phải đáp ứng nhiều điều kiện thì mới được cấp Giấy phép kinh doanh phòng gym. Để có thể bắt đầu setup và đưa phòng gym vào hoạt động, bạn cần phải đảm bảo những thủ tục sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp
- Khắc dấu và công bố mẫu dấu
- Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Pháp luật bao gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông của công ty cổ phần;
- Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên/cổ đông là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên/cổ đông là tổ chức; bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức đó;
- Một số giấy tờ khác (trong trường hợp cần thiết).
Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và đầu tư nơi bạn đặt phòng gym.
Sau từ 3-6 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tham khảo: Kinh nghiệm đăng ký kinh doahh phòng gym
Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp
Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mọi thông tin được ghi nhận trên GIấy chứng nhận phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp.
Khắc dấu và công bố mẫu dấu
Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp. Sau đó gửi mẫu dấu về cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho phòng gym, thực hiện đăng tải thông báo trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo tới phòng gym của bạn
Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao
Sau khi thành lập doanh nghiệp, để được kinh doanh phòng gym hợp pháp, bạn cần phải đáp ứng những điều kiện luật đặt ra về cơ sở vật chất, dàn HLV – PT và điều kiện giấy phép.
Điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định pháp luật:
- Địa điểm tập luyện môn thể dục thể hình phải có mái che, diện tích từ 60m2 trở lên; khoảng cách giữa các thiết bị tập luyện thể dục thể hình từ 15cm trở lên;
- Mặt sàn phải bằng phẳng, không trơn trượt, không biến dạng;
- Có hệ thống chiếu sáng độ rọi từ 150Lux trở lên;
- Có hệ thống thông gió đảm bảo thông thoáng;
- Có âm thanh, tiếng ồn không vượt quá 90dBA;
- Có tủ thuốc sơ cấp cứu, khu vực thay đồ và gửi quần áo, vệ sinh, để xe;
- Bảng nội quy quy định giờ tập luyện, các quy định bảo đảm an toàn khi tập luyện, không hút thuốc, uống rượu, bia;
- Trang thiết bị tập luyện phải có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu tập luyện của người tập, không gây nguy hiểm, không gây các biến đổi không tốt cho sự phát triển của cơ thể người tập.
Điều kiện về dàn HLV – PT
- Là huấn luyện viên hoặc vận động viên phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh có đẳng cấp từ cấp 2 trở lên hoặc tương đương;
- Có bằng cấp về chuyên ngành thể dục, thể thao từ bậc trung cấp trở lên phù hợp với hoạt động thể thao đăng ký kinh doanh;
- Được tập huấn chuyên môn thể thao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều kiện về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao:
Hồ sơ xin cấp bao gồm:
- Đơn đề nghị xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao
- Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đã được cấp ở trên)
- Bản sao văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn của huấn luyện viên.
Nơi tiếp nhận: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Văn hóa và Thể thao (nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) nơi bạn đặt phòng gym.
Sau 7 ngày làm việc kể từ lúc nhận hồ sơ, bạn sẽ nhận được quyết định cấp hay không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.
3/ Khai thuế
Đã là một doanh nghiệp, bạn phải nộp thuế. Tùy theo hình thức kinh doanh bạn đã đăng kí và mức thu nhập, những loại thuế bạn cần nộp như sau: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
4/ Mua bảo hiểm
Kinh doanh phòng gym không thể tránh khỏi những rủi ro về sức khỏe, tính mạng con người như: chấn thương, đau tim, thậm chí đột quỵ,… Bởi vì hoạt động thể thao cường độ cao – rất dễ dẫn tới chấn thương – luôn xảy ra liên tục ở phòng gym, cách tốt nhất để phòng ngừa rủi ro là mua bảo hiểm, kèm theo điều khoản miễn trách nhiệm trong trường hợp tự làm bản thân bị chấn thương.
5/ Phòng cháy chữa cháy, hộp cấp cứu và nội quy phòng tập
Bạn nên xin cấp Chứng chỉ Phòng cháy chữa cháy ở địa phương và sắm cho mình dụng cụ chữa cháy cần thiết.
Ngoài ra, bạn cần xác định một nội quy dành cho HLV – người tập tại phòng tập: quy định về cách sử dụng máy, quy định sử dụng tủ để đồ, tủ thay đồ, quy định không hút thuốc uống rượu,… và dán ở nơi dễ thấy ở phòng gym.
Phòng gym là nơi dễ xảy ra chấn thương, bạn hãy sắm sửa một hộp cứu thương với đầy đủ các dụng cụ cần thiết, để ở nơi dễ lấy, có thể sơ cứu kịp thời cho người bị thương.
6/ Xác định khách hàng mục tiêu
Bạn phải xác định rõ khách hàng mục tiêu của mình là ai để có thể xây dựng loạt hành động tiếp theo: xác định nơi đặt phòng gym, nguồn vốn cần chuẩn bị, những thiết bị cần sắm cho phòng gym và cả phương án kinh doanh về lâu về dài
Bạn phải “vẽ” đúng chân dung khách hàng của mình: độ tuổi bao nhiêu, sinh sống tại khu vực nào, thu nhập ra sao, lý do họ cần phải đến phòng gym của bạn… càng chi tiết càng tốt để có phương án kinh doanh cụ thể
7/ Vị trí phòng gym
Sau khi xác định được tập khách hàng của mình, bạn có thể xác định rõ ràng vị trí đặt phòng gym. Bởi vì khách hàng luôn muốn tập gym gần gũi, thuận tiện đi lại.
Hãy đặt phòng gym tại nơi đông dân cư, nhu cầu tập gym cao (là nơi có nhiều khách hàng tiềm năng), nghiên cứu xem có nhiều đối thủ cạnh tranh không (để giảm bớt cạnh tranh kinh doanh) và tìm một mặt bằng phù hợp
Nếu bạn muốn nhắm đến đối tượng sinh viên, người có thu nhập thấp – thường là những người trẻ, hãy mở gần các trường học, không cần mặt tiền quá rộng, thậm chí trong hẻm cũng được, nhưng có giá thuê mặt bằng thấp. Bạn có thể thiết kế vài địa điểm độc-lạ để check in, tìm cách thu hút thật nhiều khách hàng đến để bù vào phần phí hội viên giá rẻ.
Nếu bạn muốn nhắm đến đối tượng khách hàng trung-cao cấp, bạn phải đặt phòng gym ở nơi trung tâm, khu mua sắm sầm uất, thuận tiện đi lại và có nơi giữ xe rộng rãi. Dù bạn phải trả chi phí thuê mặt bằng lớn, bạn có thể thu về lợi nhuận cao nhờ chi phí hội viên và các dịch vụ đi kèm.
Chi phí thuê phòng gym là điều bạn nên cân nhắc. Bạn có thể trả tiền thuê theo năm nhưng chi phí này khá là đáng kể nên bạn hãy thỏa thuận để trả tiền theo tháng hoặc quý để bạn cảm thấy “dễ thở” hơn.
8/ Nguồn vốn
Sau khi xác định được khách hàng mục tiêu, bạn sẽ xác định được nguồn vốn mình cần bỏ ra cho tất cả chi phí: tiền thuê mặt bằng, tiền mua sắm trang thiết bị, tiền dùng để thuê nhân viên, cả số tiền dùng để xoay vòng vốn cho những lần sửa chữa máy móc hoặc chi phí hoạt động phòng gym.
Số vốn này có thể là tiền túi của bạn, đi vay hoặc tìm nhà đầu tư cho phòng gym. Trong trường hợp tìm nhà đầu tư, bạn phải vạch rõ được phương án kinh doanh một cách rõ ràng và thuyết phục.
>>> Xem thêm: Chi phí mở phòng gym cần bao nhiêu tiền để kinh doanh hiệu quả?
9/ Những thiết bị cơ bản
Một phòng gym đáp ứng được nhu cầu tập luyện của khách hàng cần có những máy tập sau:
- Máy chạy bộ đa năng
- Xe đạp tập chuyên dùng cho phòng tập
- Giàn tập vai
- Giàn kéo lưng chữ T
- Ghế tập bụng trên
- Giàn tập bụng dưới
- Giàn tập lưng trên
- Ghế nằm đẩy ngực
- Ghế ngồi tập nhóm cơ chuối
- Ghế tập tay trước
- Máy ép ngực
- Máy tập xô trên
- Máy tập xô dưới
- Giá tập giật treo
- Giá gánh đùi
- Máy ngồi đá đùi
- Bộ đĩa xoay eo
- Đòn tạ các loại
- Đĩa tạ các loại
- Tạ đôi (các loại bánh tạ từ 1-40 kg)
- Bộ tạ chuyên dùng
- Đòn tạ cử chuyên dùng
- Bục kê gánh đùi
- Giá xếp tạ
Nhưng nếu chi phí của bạn quá hạn hẹp, ít nhất hãy có những máy tập này ở phòng tập gym của bạn:
Máy chạy bộ đa năng
Đây là một trong những thiết bị được nhiều người tập nhất và bạn nên sắm nhiều trong phòng tập của mình.
Chạy bộ là bài tập cardio rất phổ biến hoặc có thể được sử dụng làm bài khởi động, có tác dụng tiêu hao mỡ thừa hiệu quả và có tác động đến tất cả nhóm cơ trên cơ thể.
Máy tập đạp xe đa năng
Đây là máy tập phổ biến chỉ sau máy chạy bộ đa năng. Bài tập với máy đạp xe cũng là bà tập cardio phổ biến nhưng tập trung nhiều hơn vào cơ đùi trên, cơ bắp chân và cơ tay
Với kích thước nhỏ gọn, không tốn nhiều diện tích nhưng hiệu quả lại cao, đây là lựa chọn ưa thích của nhiều chủ phòng gym.
Máy tập cơ vai, cơ ngực
Đây là nhóm cơ được nhiều người tập nhất. Các loại máy này cho phép người tập riêng lẻ hoặc tập một nhóm 3-4 người
Nếu kinh phí và diện tích phòng gym eo hẹp, bạn có thể sắm 1-2 giàn tạ đa năng hay ghế đẩy tạ đa năng để nhiều người có thể sử dụng một lần
Máy tập nhóm cơ chân
Nhóm máy tập cơ chân bao gồm máy tập móc đùi, máy tập đá đùi, máy tập cơ chân. Trong đó máy tập đá đùi cần được ưu tiên sắm nhất.
Ghế tập bụng, lưng, eo – thiết bị hướng đến khách hàng nữ.
Ngoài các loại máy tập cardio, bạn nên tập trung sắm ghế tập bụng, ghế tập lưng và máy xoay eo nếu đối tượng khách hàng bạn hướng tới là nữ giới vì các bạn nữ đến với phòng gym luôn chú ý những bài tập bụng để có vòng 2 săn chắc, thon gọn.
10/ Xác định đơn vị setup uy tín
Một đơn vị setup uy tín hỗ trợ bạn từ A đến Z: từ lúc chuẩn bị giấy tờ, thủ tục kinh doanh, tư vấn thiết kế phòng gym, địa điểm kinh doanh cho đến cung cấp thiết bị tập đạt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng với giá thành cực kì phải chăng
Chúng tôi có đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chuyên nghiệp, tư vấn và setup phòng gym hoàn toàn dựa trên nguồn vốn bạn có thể bỏ ra nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu tập luyện của khách hàng.
Chọn Impulse Fitness là đơn vị tư vấn-setup-cung cấp máy tập là bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng máy tập và độ hài lòng của khách hàng với phòng gym của bạn.
11/ Thuê nhân viên
Bạn cần có đội ngũ HLV-PT chuyên nghiệp, nhân viên lễ tân và nhân viên vệ sinh dù có mở phòng gym bình dân hay cao cấp, và đặc biệt, không được dễ dãi trong khâu tuyển chọn để có những người phù hợp nhất với tiêu chí hoạt động phòng gym và phù hợp với cả bạn nữa!
Có những khách hàng luôn sẵn sàng bỏ thêm chi phí để HLV xây dựng một chế độ tập và khẩu phần phù hợp với bản thân. Hãy tuyển vài PT lành nghề, thái độ tốt để tư vấn cho khách hàng tốt nhất.
Tiếp tân hãy chọn 1-2 người có ngoại hình, ăn nói tốt vì đây được coi như là bộ mặt của phòng gym, là những người đầu tiên khách hàng tiếp xúc – vì vậy ấn tượng tốt hay xấu cho phòng gym cũng từ tiếp tân mà ra. Nếu chọn người biết cách tư vấn, khả năng sẽ có nhiều người sẵn lòng trả gói member nhiều tiền hơn.
Ngoài ra còn các chi phí cho nhân viên tạp vụ, nhân viên giữ xe.
Cuối cùng, một trong những đặc thù của phòng gym là máy móc cần được vệ sinh thường xuyên để giảm bớt công đoạn bảo dưỡng-bảo trì hoặc tránh hỏng hóc. Máy tập cần được vệ sinh sạch mồ hôi của người tập và được tra dầu thường xuyên, nhưng cần được tiến hành nhanh chóng để phục vụ nhu cầu tập của khách hàng.
Cách tốt nhất để tiết kiệm chi phí là chủ phòng gym không ngại khó khăn, cố gắng kiêm thật nhiều nhiệm vụ.
12/ Xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể
Sau cùng, khi bạn đã có thể đưa phòng gym bắt đầu hoạt động, bạn không thể để “tới đâu hay tới đó” mà phải vạch ra một hướng đi rõ ràng.
Xem xét đối thủ, xem cách họ thu hút khách hàng, nhất là khách hàng tiềm năng của mình nhắm tới để có phương hướng hoạt động tốt hơn. Những phòng gym ở khu vực lân cận phải đóng cửa – cũng phải xem xét lý do họ thất bại để tránh. Đồng thời cẩn thận với những đối thủ tương lai – những phòng gym mở sau bạn và rất có thể sẽ cạnh tranh trực tiếp với bạn.
Đẩy mạnh marketing – truyền thông để thu hút khách hàng mới, cung cấp dịch vụ tốt nhất để giữ chân khách hàng cũ, thu hồi và xoay vòng vốn. Xem xét mua thêm máy tập mới để mở rộng phòng gym và để khách hàng cảm thấy mới mẻ – hầu hết khách hàng đều thích tập luyện với máy móc mới.
Bạn cũng không nên quên các chế độ phúc lợi, thưởng phạt đúng đắn cho nhân viên để giữ chân họ ở phòng gym của mình
Trên đây là tất-tần-tật những thủ tục cần thiết để trả lời câu hỏi Mở phòng gym cần gì? Đây là một thị trường lớn, cạnh tranh cao, sau khi mở phòng gym, bạn cần xác định phải “chiến đấu” lâu dài và mạnh mẽ hơn nữa để có thể thu về lợi nhuận “khủng” mà mình đáng mơ ước. Chúc bạn kinh doanh thành công!
>>> Tham khảo: Dịch vụ tư vấn thiết kế phòng gym chuyên nghiệp trọn gói từ A đến Z theo mọi nhu cầu của khách hàng